Tỷ lệ Thuốc sản xuất trong nước kém chất lượng trên thị trường có xu hướng giảm theo thống kê gần đây của Cục Quản lý Dược Bộ Y tế. Quan điểm của Dược sĩ về việc thay đổi cơ chế đấu thầu thuốc?
Nhìn vào thống kê có thể thấy nỗ lực của các cơ quan chức năng trong quá trình kiểm soát chất lượng thuốc. Tuy nhiên, người sử dụng thuốc chưa thể yên tâm do những vướng mắc trong công tác hậu kiểm và đấu thầu thuốc.
Thuốc chịu sự giám sát của cơ quan nào?
Một viên thuốc sau khi ra thị trường sẽ chịu sự giám sát chất lượng của 62 trung tâm kiểm nghiệm đặt ở các tỉnh, thành phố trong cả nước và hai viện kiểm nghiệm thuốc ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Hai viện kiểm nghiệm sẽ kiểm soát thuốc đầu nguồn tại các nhà phân phối, nhập khẩu, còn các trung tâm “gác” cuối nguồn ở các nhà thuốc, chợ thuốc… Hằng ngày, hằng tuần, các đơn vị này có nhiệm vụ kiểm tra, lấy mẫu để kiểm nghiệm, kiểm tra chất lượng thuốc, bảo đảm thuốc chuẩn lưu hành trên thị trường. Thêm vào đó, hơn 60 công ty nhập khẩu thuốc có “tiền sử” vi phạm chất lượng phải chịu tiền kiểm của cơ quan chức năng chứ không chỉ hậu kiểm thông thường. Với một hàng rào kiểm soát chặt chẽ, thường xuyên như vậy, về lý thuyết, thuốc không đạt chuẩn khó tồn tại. Nhưng vẫn có thuốc không đạt chất lượng trên thị trường.
Vậy nguyên nhân chất lượng thuốc kém ở đâu?
Nhiều ý kiến cho rằng cần nâng cao năng lực của các đơn vị làm công tác hậu kiểm thuốc, không đơn thuần là tần suất đi lấy mẫu kiểm tra, mà còn là đầu tư quỹ chất chuẩn, chất đối chiếu để tăng tỷ lệ kiểm tra chất lượng đối với các hoạt chất, chế phẩm lưu hành trên thị trường. Theo thống kê của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, năm 2014, hệ thống kiểm nghiệm cả nước mới chỉ kiểm tra được khoảng 500 hoạt chất trên tổng số hơn một nghìn hoạt chất tân dược đang lưu hành trên thị trường. Vấn đề công tâm trong nhiệm vụ cũng được đòi hỏi bởi đã có những băn khoăn của người trong nghề về độ chính xác của kết quả kiểm nghiệm. Một nguyên nhân quan trọng khác là, quy định đấu thầu thuốc chưa hợp lý, nếu không sửa đổi thì thuốc kém chất lượng vẫn còn “đất” sống.
Theo một số nhà sản xuất thuốc trong nước, pháp luật về quy trình đấu thầu Dược phẩm hiện nay hướng đến việc chọn thuốc tốt khi xét tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng thuốc trước khi xét giá giữa các sản phẩm. Tuy nhiên, quy định tại Thông tư 37/2013/TT-BYT ngày 11-11-2013 của Bộ Y tế hướng dẫn lập hồ sơ mời thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế còn bất cập khi mức điểm đánh giá chất lượng thuốc chưa tạo sự chênh lệch, khác biệt lớn về chất lượng cho các sản phẩm cùng tham gia đấu thầu. Thí dụ, thuốc có chứng minh tương đương sinh học “ăn” bốn điểm về chất lượng nhưng thuốc không có tương đương sinh học vẫn được hai điểm; hay thuốc sản xuất từ dược liệu có chứng nhận đạt các nguyên tắc, tiêu chuẩn Thực hành tốt trồng trọt và thu hái dược liệu (GACP) và thuốc không có chứng nhận này cũng chỉ chênh nhau hai điểm. Những sản phẩm ít điểm hơn về chất lượng vẫn có thể đạt vì được bù điểm bằng chất lượng dịch vụ. Cho nên, có tình trạng “hòa cả làng”, thuốc nào cũng có thể đạt điểm kỹ thuật, chất lượng để được tham gia đấu giá sau đó. Do đó, đấu thầu thuốc được nhiều doanh nghiệp gọi là cuộc đấu giá, cơ hội dành nhiều cho các sản phẩm có giá thấp.
Cơ chế chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp sản xuất thuốc nghiêm chỉnh?
Một số doanh nghiệp sản xuất thuốc có uy tín trong nước thẳng thắn nêu ý kiến, thuốc tốt được sản xuất từ nguyên liệu “sạch”, bảo đảm chất lượng, đúng hàm lượng và theo một quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn thì không thể có giá rẻ được. Nguyên liệu, tá dược không bảo đảm chất lượng, hàm lượng bị rút bớt về gần sát gần dưới tiêu chuẩn cho phép, đương nhiên sẽ cho ra những sản phẩm có giá cạnh tranh với thuốc tốt, và như vậy thị trường vẫn còn thuốc không đạt chất lượng là điều không quá khó hiểu. Một số doanh nghiệp cũng từng đề nghị để có thuốc tốt, giá phù hợp đến người sử dụng thì cần có những cơ chế chính sách ưu tiên cho các đơn vị sản xuất thuốc nghiêm chỉnh.
Một khi vướng mắc trong đấu thầu Dược phẩm nêu trên chưa được tháo gỡ thì chưa có cơ sở để giảm thuốc kém chất lượng. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh thuốc đang trông chờ một sự thay đổi cơ chế đấu thầu và nâng cao trách nhiệm của công tác hậu kiểm để làm lành mạnh môi trường kinh doanh. Người sử dụng thuốc có quyền đòi hỏi được dùng sản phẩm bảo đảm an toàn, thay vì lo lắng thuốc không đạt chất lượng, thuốc giả vẫn “lởn vởn” trên thị trường.
Nguồn báo Nhân dân.