Giáo dục đại học xét tuyển theo ngành năm 2016?

Giảm áp lực trong kỳ thi tốt nghiệp sắp tới, giáo dục đại học có nên xét tuyển theo ngành và quyền tự chủ tuyển sinh có nên giao cho các trường?

ky-thi-thpt-quoc-gia-2016

Kỳ thi THPT Quốc gia không còn là áp lực

Nhiều chuyên gia giáo dục đề xuất tách thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học. Điều này đồng nghĩa việc trở về kỳ thi cũ nhưng được thực hiện dưới tinh thần mới: Tốt nghiệp giảm nhẹ, tăng tự chủ cho các trường trong tuyển sinh đại học.

Theo PGS Văn Như Cương – Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội – việc xét tốt nghiệp nên giao cho các Sở GD&ĐT thực hiện theo cách đơn giản và nhanh chóng.

Bài thi có thể áp dụng hình thức đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội (một bài tổng hợp duy nhất bao gồm tất cả các môn) hoặc tương đương bài thi học kỳ II của lớp 12. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp là 99% hay 100% không phải vấn đề quan trọng.

Kỳ thi tuyển sinh đại học nên giao quyền tự chủ cho các trường theo mô hình riêng. Thí sinh đã tốt nghiệp phổ thông là có quyền vào bất kỳ trường đại học nào nếu được nhận.

Về vấn đề này, GS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng GD&ĐT nêu ý kiến, thi tốt nghiệp THPT nên theo hướng mang tính kiểm tra và giao cho các Sở GD&ĐT.

“Chúng ta không nên quá quan tâm đến tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao”, GS Quân nói và cho rằng, có thể tạo nhiều kỳ thi tốt nghiệp THPT trong năm để giảm áp lực về một kỳ thi duy nhất.

Về tuyển sinh vào CĐ, ĐH, Bộ GD&ĐT nên xây dựng nguyên tắc cơ chế chung để quản lý, các trường tự chủ trong tuyển sinh.

ky-thi-thpt-quoc-gia-2016

Những sai sót được khắc phục và bổ sung

Sau năm đầu thực hiện kỳ thi THPT quốc gia, nhiều ý kiến đóng góp khắc phục hạn chế như: Rút ngắn thời gian xét tuyển, nâng cấp phần mềm tuyển sinh, giảm số lượng xét nguyện vọng…

Về số lượng môn thi tốt nghiệp, GS Trần Hồng Quân cho rằng nên thi tất cả các môn, tránh tình trạng học lệch, tăng cường học toàn diện. Việc tồn tại môn thi tự chọn dẫn đến ngay từ đầu vào THPT, học sinh chỉ học 4 môn dự kiến thi mà lơ là môn học khác.

Nguyên Bộ trưởng GD&ĐT cũng cho rằng, thí sinh được đăng ký tới 16 nguyện vọng xét tuyển là không hợp lý, mà chỉ nên đăng ký 1-2 nguyện vọng về ngành thay vì vào trường. Bởi ngành học mới là điều quan trọng sẽ theo đuổi các em cả đời.

Về đề thi, Giám đốc Trung tâm Kiểm định Hiệp hội các trường CĐ, ĐH Việt Nam đề xuất: Bộ GD&ĐT nên thành lập và chuẩn hóa ngân hàng đề thi tạo mặt bằng chung cho các trường trong việc tuyển sinh đại học. Điều này cũng đồng nghĩa có thể tổ chức kỳ thi nhiều lần trong năm để giảm áp lực.

Theo ông Võ Thế Quân – Hiệu trưởng ĐH Đông Đô, với cách ghép hai kỳ thi vào một dẫn đến cấu trúc đề thi chưa hợp lý, đánh giá không chính xác năng lực người học.

“Đề thi có 60% câu hỏi dễ, 40% câu hỏi khó, như vậy một học sinh đạt 8 điểm vào trường đại học thì chỉ có 2 điểm ở mức nâng cao. Điều này cho thấy chất lượng đầu vào đại học năm nay giảm”.

Đánh giá tầm quan trọng của đề thi, GS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh: Trắc nghiệm phản ánh chất lượng kỳ thi, còn tự luận phụ thuộc năng lực người chấm, vì vậy, cần chuẩn bị thật tốt câu hỏi cho đề trắc nghiệm.

GS Thiệp đề xuất nên chuyển tất cả các môn thi sang trắc nghiệm, riêng Toán và Văn có câu tự luận ngắn. Điều này cũng rút ngắn thời gian thi và giảm áp lực cho người học.

Về khâu tổ chức thi, ông Bùi Quang Thái – Phó trưởng phòng Tổ chức thi, Sở GD&ĐT Hà Nội kiến nghị, Bộ GD&ĐT nên thực hiện công việc tác động, thăm dò, lấy ý kiến từ các Sở để góp ý cho kỳ thi đại học diễn ra tốt hơn. Trong đó, Sở GD&ĐT sẽ tổ chức thăm dò ý kiến trực tiếp từ học sinh, tạo tâm lý sẵn sàng cho các em.

Nguồn: news.zing.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tư vấn tuyển sinh!
Đăng ký trực tuyến
Zalo chat