Bác sĩ nội trú là một chương trình đào tạo đặc biệt dành riêng cho các Bác sĩ mới ra trường. Sau khi tốt nghiệp 6 năm tại các Trường Đại học ngành Y sẽ được thi lên Cao học hoặc Bác sĩ nội trú.
Bác sĩ nội trú phải ở trong bệnh viện 24/24
Thi vào Bác sĩ nội trú khó khăn hơn rất nhiều so với Cao học và Chuyên Khoa 1, chỉ có các sinh viên Y khoa chính quy mới được dự thi Bác sĩ nội trú và chỉ được thi duy nhất một lần. Hiện nay, sau khi hoàn tất chương trình đào tạo kéo dài 3 năm các Bác sĩ nội trú sẽ được cấp 3 bằng: Bằng Bác sĩ chuyên khoa I, bằng Thạc sĩ Y khoa, và bằng Bác sĩ nội trú. Chương trình học Bác sĩ nội trú rất vất vả, các Bác sĩ nội trú phải ở trong bệnh viện 24/24 vì mục tiêu là trở thành người Bác sĩ giỏi về lý thuyết lẫn thực hành lâm sàng. Các Giáo sư đầu ngành của Y học Việt Nam hầu hết xuất thân từ các Bác sĩ nội trú. Đây là nòng cốt cho nhân lực chất lượng cao cho các bệnh viện tuyến Trung Ương, các Trường Đại học Y…
Bác sĩ nội trú cần được Chính phủ có những chính sách hỗ trợ hợp lý hơn?
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, cho biết hiện nay có nhiều cơ chế, chính sách đối với Bác sĩ Nội trú còn bất bập cần được tháo gỡ. Như khi ra trường, lương khởi điểm của Bs.Nội trú không khác gì một người học Đại học bốn năm, mặc dù thời gian học gấp ba lần trường Đại học khác.
Thời gian Đào tạo Bác sĩ nội trú dài gấp 3 lần học Đại học ngành khác
Đáng chú ý, 13 năm nay Bs.Nội trú không được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận là Thạc sĩ, mặc dù so với Đào tạo Cao học, thi tuyển đầu vào Bs.Nội trú khó hơn, thời gian học lâu hơn, chi phí đào tạo tốn kém hơn… Khi học tiếp lên nghiên cứu sinh thì chỉ được tính đầu vào như bằng Đại học.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết thời gian tới Bộ Y tế sẽ đề xuất Chính phủ có những chính sách hợp lý hơn với nhóm các Bs.Nội trú như thay đổi về cách tính lương khởi điểm, thâm niên, chế độ bảo hiểm…
Đồng thời tăng cường đào tạo cả về chỉ tiêu Bs.Nội trú cũng như quy trình, chất lượng đào tạo để đáp ứng nhu cầu nhân lực chuyên môn cao cho Ngành Y tế trong công tác chăm sóc bảo vệ sức khoẻ cho người bệnh hiện nay.
GS.Hồ Đắc Di là người Việt Nam đầu tiên đỗ Bác sĩ Nội trú tại Pháp
Cuộc thi Bác sĩ Nội trú đầu tiên trên thế giới được ghi nhận năm 1802 tại Paris (Pháp), được coi là khai sinh ra hệ Đào tạo Bác sĩ Nội trú các bệnh viện trên thế giới. GS Hồ Đắc Di là người Việt Nam đầu tiên đỗ Bs.Nội trú khi ông theo học Y khoa tại Pháp (1918 – 1931). Đây là trường hợp hiếm hoi lúc bấy giờ do sự kỳ thị và cản trở của chính quyền Pháp đối với người dân ở nước thuộc địa.
Từ trái sang phải: GS Hồ Đắc Di, GS Tôn Thất Tùng và Bộ trưởng Y tế Phạm Ngọc Thạch
Trường Đại học Y Hà Nội là cơ sở đào tạo sau Đại học sớm nhất trong hệ thống Giáo dục Đại học nói chung và trong Ngành Y tế nói riêng. Đây là đơn vị tiến hành đào tạo Bác sĩ chuyên khoa II được thực hiện từ năm 1972, đặt nền móng cho việc mở rộng các loại hình đào tạo sau Đại học khác.
PGS,TS Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội, khóa Đào tạo Bs.Nội trú đầu tiên của Trường đại học Y Hà Nội được tổ chức năm 1974 gồm 15 học viên thuộc sáu chuyên ngành: ngoại khoa, nội khoa, nhãn khoa, tai mũi họng, thần kinh, truyền nhiễm. Tính đến nay đã có 40 khóa Bs.Nội trú được đào tạo với tổng cộng 1.983 học viên thuộc 35 chuyên ngành lâm sàng, cận lâm sàng và Y học dự phòng. Trong số này, hàng trăm Bs.Nội trú có học hàm giáo sư, phó giáo sư; giữ các vị trí chủ chốt của ngành Y tế và các khoa, bộ môn thuộc các bệnh viện… và có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Trích nguồn : Báo Nhân Dân