Hà Nội là một trong những điểm thi có nhiều em đạt 300 điểm trong kì thi Violympic ngày hôm qua 23-3. Kết quả này là cơ hội để học sinh được chọn vào học lớp chọn, trường chuyên. Nhưng phía sau đó là cả một quá trình dạy thêm học thêm ai cũng biết.
Cuộc thi giỏi toán Violympic cấp Quốc gia
ViOlympic là cuộc thi cấp Quốc gia về Toán học trên do Bộ GD-ĐT chỉ đạo, Tập đoàn FPT và Đại học FPT là đơn vị tổ chức, nhà tài trợ đồng hành Samsung.
Mang ý nghĩa là một sân chơi, khuyến khích học sinh học Toán, cuộc thi dành cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 trên toàn quốc. Lần thứ 7 tổ chức, cuộc thi ViOlympic đã vượt mốc 20 triệu thành viên và phổ biến tới 702 quận, huyện thuộc 62 tỉnh thành trên cả nước.
Violympic đấu trường hay sân chơi?
Một giáo viên tỉnh lẻ xin được giấu tên chia sẻ: “ViOlympic đang có dấu hiệu của một “đấu trường” chứ không còn là một sân chơi Toán học thông thường. Với những câu hỏi ngay cả giáo viên không dạy chuyên Toán cũng “ngán ngẩm” chứ nói gì tới chuyện không học trong lò luyện thi mà chỉ làm trong vòng 10 phút. Chủ trương của Bộ GD&ĐT là cấm học thêm nhưng thử hỏi nếu không học thêm học sinh Hà Nội sao có thể có được kết quả “khủng” như thế”.
Giáo viên này cũng cho biết thêm, ViOlympic là một sân chơi Toán học cho học sinh cả nước và đã là sân chơi phải có sự công bằng nhưng hiện nay sân chơi này không còn sự công bằng giữa học sinh Hà Nội và học sinh tỉnh lẻ.
Các em ở tỉnh lẻ tham gia với tinh thần vô tư, chỉ học trên lớp cùng những bạn khác và tới thời điểm thì tham gia thi chứ không hề ôn luyện ngày đêm trong các lò luyện thi và như vậy số lượng thí sinh đạt điểm tuyệt đối trong một tỉnh là “khá ít”.
Đồng quan điểm, một giáo viên khác cũng cho rằng, học sinh tại Hà Nội có kết quả “khủng” như vậy cũng là điều dễ hiểu. Bởi lẽ, giờ đây không còn tồn tại thi chuyển cấp nên một số trường chuyên cũng không biết dựa vào tiêu chí nào để lấy đầu vào. Bộ GD&ĐT lại chỉ đạo tổ chức sân chơi Toán học ViOlympic nên họ đành “bất đắc dĩ” dùng kết quả của “sân chơi” này để chọn thí sinh và vô hình trung ViOlympic lại có “cơ hội” trở thành thước đo cho việc vào trường chuyên lớp chọn.
Vậy nên, học sinh nào muốn vào trường chuyên lớp chọn đương nhiên phải ngày đêm luyện thi. Điều này đã khiến các học sinh tiểu học bị “đánh cắp tuổi thơ” vì ngày ngày phải “làm bạn” với các con số và màn hình máy tính.
Cuộc thi toán Violympic qua internet
Thầy Nam Giáo viên toán Trường Tiểu học Cổ Nhuế lại cho rằng Violympic là cuộc thi đầy trí tuệ?
Cũng liên quan tới vấn đề này, thầy Nguyễn Văn Nam, giáo viên môn Toán trường Tiểu học Cổ Nhuế B (Hà Nội) lại cho rằng: “ViOlympic thật sự là một sân chơi trí tuệ. Bởi lẽ, ViOlympic không những mang lại cho học sinh có cơ hội được rèn tư duy, kĩ năng, phẩm chất cần thiết của một người Việt Nam thời đại mới mà còn giúp cho giáo viên không ngừng học tập, tu dưỡng, sáng tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; giúp cho phụ huynh nâng cao kiến thức, kĩ năng về toán tiểu học.
Còn về vấn đề nhiều giáo viên cho rằng đề của vòng thi quận/huyện và vòng tỉnh/thành phố có một số câu hỏi khó với học sinh là hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, đã là sân chơi trí tuệ thì đương nhiên có câu dễ, câu khó. Nếu các câu hỏi đều dễ (câu nào cũng làm được) thì học sinh sẽ phát huy không hết năng lực tư duy của bản thân”.
Thầy Nam cũng cho biết thêm: “Về cấu trúc mỗi vòng thi có 3 bài. Và ở mỗi bài thi có thể chia ra làm 3 mức độ: Nhóm câu dễ, nhóm câu trung bình và nhóm câu khó. Trong đó, nhóm câu khó (nâng cao) theo tôi chỉ chiếm khoảng 20%. Đây là nhóm câu nhằm phân hoá năng lực của học sinh. Ở góc độ giáo dục thì chúng ta hoàn toàn dễ hiểu.
Mỗi bài thi khác nhau sẽ rèn luyện những tư duy khác nhau cho học sinh. Chẳng hạn, bài “Đua xe” thì rèn kĩ năng tính toán, kĩ năng ra quyết định (nộp bài) cho học sinh; thế nhưng với bài thi “Tìm cặp bằng nhau” hay bài “Sắp xếp” thì rèn tổng hợp các kĩ năng cho học sinh như kĩ năng phân tích, tổng hợp, phán đoán, xử lí thông tin, kĩ năng quan sát, kĩ năng ra quyết định…
Trích nguồn : Infonet