Từ lâu,những trò gian lận trong đấu thầu Dược phẩm đã khiến xã hội bất bình sâu sắc,vi phạm các quy định về cạnh tranh lành mạnh, khiến ngân sách thiệt hại nghiêm trọng, bệnh nhân chịu thêm nhiều chi phí tốn kém,nhà thầu chân chính mất oan cả tiền lẫn thị phần,các cơ sở sản xuất Dược phẩm nội địa bị chèn ép, không phát triển nổi…
Xem thêm : Hãy hỏi Dược sĩ trước khi dùng thuốc?
Cố ý thay đổi danh mục thuốc!
Tháng 11/2014, Sở Y tế (YT) Đắk Lắk trong vai chủ đầu tư đã tổ chức xong đợt đấu thầu mua thuốc khám chữa bệnh năm 2014-2015 cho các cơ sở y tế nhà nước trên địa bàn tỉnh. Chưa đầy 1 tháng sau, nhiều mặt hàng mới đấu thầu xong đã hết. Và từ đó tới nay, các bệnh viện trên địa bàn tỉnh phải nhiều lần gửi công văn (CV) xin bổ sung hàng trăm loại thuốc điều trị cấp bách.
Tình trạng thiếu thuốc trầm trọng hơn cả xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Đắk Lắk. Một số bệnh viện tuyến huyện cũng khó khăn tương tự. Bác sĩ Châu Đương, Giám đốc BVĐK huyện Cư M’gar cho biết, chưa bao giờ thiếu thuốc như mấy tháng đầu năm nay. Thiếu nhất là các loại biệt dược, thuốc gây tê, gây mê dùng trong phẫu thuật. Trong cả chục lần bệnh viện xin Sở YT khẩn cấp bổ sung nguồn thuốc, đã có nhiều bệnh nhân không chờ thuốc được đành phải chuyển viện lên tuyến trên.
Vì sao danh mục mời thầu 1.197 mặt hàng, mà chỉ có 666 mặt hàng trúng thầu? Trả lời câu hỏi của báo Tiền Phong, bác sĩ Doãn Hữu Long, Giám đốc Sở YT Đắk Lắk-Chủ tịch hội đồng thẩm định kế hoạch đấu thầu thuốc chữa bệnh năm 2014 giải thích: do Sở lần đầu tổ chức đấu thầu theo Thông tư 01, có những quy định mới phức tạp, nên kết quả đấu thầu chỉ đạt hơn 50%! Còn theo một số doanh nghiệp dự thầu, việc thiếu thuốc nghiêm trọng sau đấu thầu có nguyên nhân do Hội đồng đấu thầu (HĐĐT) cố ý làm trái.
Thông tư liên tịch (TTLT) số 01 được Bộ Y tế và Bộ Tài chính ban hành tháng 1/2012, đến tháng 11/2013 được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi các TTLT số 36, 37, hướng dẫn tỉ mỉ cách thức tổ chức đấu thầu, nhằm chọn được các loại thuốc phù hợp, giá rẻ, tiết kiệm, ưu tiên dùng hàng nội, tạo điều kiện cho ngành Dược trong nước phát triển.Theo đó, liên Bộ yêu cầu chuyển từ đấu thầu trọn gói sang đấu thầu theo mặt hàng, các tiêu chí kỹ thuật từng mặt hàng phải chấm chính xác theo thang điểm, khiến số lượng nhà thầu và hồ sơ tăng mạnh, đòi hỏi cán bộ phải có trình độ Dược sĩ chuyên sâu.
Vì thế, vai trò quan trọng của tổ chuyên gia trong HĐĐT thường được giao cho người đứng đầu phòng Nghiệp vụ Dược. Thế nhưng tại Đắk Lắk, hàng chục năm qua, quyền quyết định tại tổ này thuộc về 2 phòng Nghiệp vụ Y, và Tài chính kế toán. Hệ quả tất yếu là quá trình đấu thầu, xét thầu luôn chú trọng về tiền nong hơn là những tiêu chí về dược phẩm. Sở YT giải thích, vì ngân sách cấp hạn chế. Kế hoạch đấu thầu mua thuốc khám chữa bệnh năm 2014-2015 của ngành y tế Đắk Lắk dự trù hơn 700 tỷ, nhưng tỉnh chỉ duyệt cho 500 tỷ, nên phải ưu tiên vai trò tài chính để khống chế tổng giá trị thầu.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy: Tổng giá trị phê duyệt dự toán dự trù ban đầu theo danh mục thuốc do các cơ sở điều trị công lập toàn tỉnh đưa lên, đã được đưa đi thẩm định giá, chỉ hơn 350 tỷ đồng, dự kiến đấu thầu tháng 2/2014. Thời điểm đó, bác sĩ Doãn Hữu Long được bổ nhiệm làm tân Giám đốc Sở YT, nên việc đấu thầu tạm dừng.
Sở Y tế Đắk Lắk đã loại thuốc rẻ, chọn thuốc đắt gây thiệt hại cho người bệnh (Bảng I).
Ngày 15/4/2014, Sở YT ban hành CV số 237, yêu cầu các cơ sở điều trị bổ sung thêm hoạt chất và dạng dùng mới vào danh mục, khiến tổng giá trị dự toán bị đẩy tăng lên hơn 700 tỷ đồng. Có nghi vấn đây là cách HĐĐT mở đường cho một số công ty “sân sau” nhảy vào, vì cơ quan chức năng đã xác định có công ty in sẵn 2 danh mục tổng cộng gần 100 mặt hàng đem xuống cho 6 bệnh viện huyện ký, với cùng loại thuốc, nồng độ, hàm lượng, số lượng y hệt nhau. Chỉ với khoảng 100 mặt hàng bổ sung thêm này, số tiền đã tăng tương đương với danh mục 1.197 mặt hàng được các bệnh viện dự trù trước đó.
Để xử lý con số hơn 700 tỷ đồng này phù hợp với phê duyệt dự toán mà UBND tỉnh chấp thuận, bộ phận kế toán của Sở YT đã trừ đều, trừ đồng loạt từ trên xuống, bất chấp cách dự trù thuốc của các bệnh viện nhằm đủ dùng cho một năm, khiến danh mục, số lượng thuốc bị xáo trộn, không còn theo nhu cầu thực tế mà các bệnh viện đề xuất ban đầu. Có mặt hàng số lượng ít tới vô lý, như thuốc giảm đau Diclofenac (dạng chích) cả tỉnh mà chỉ có 20 ống, thuốc điều trị ung thư Tyracan 100 chỉ có 148 viên, thuốc Morphin chích chỉ có 942 ống!… Lại có những mặt hàng dùng không biết tới chừng nào mới hết như thuốc tim mạch Dobutamin trúng thầu tới 44.118 ống; thuốc gây mê Bupivacain trúng tới 70.600 ống…
Tự ý xài tiền của nhà thầu
Một trong những sai phạm lộ liễu của đợt đấu thầu này, là việc HĐĐT Sở YT Đắk Lắk đã buộc các nhà thầu phải ôm tiền mặt tới nộp tại phòng Tài chính kế toán trước thời điểm đóng thầu, bằng 3% tổng giá trị tham gia dự thầu, ghi rõ tại khoản 1 mục 15 chương II Bảng dữ liệu đấu thầu trong hồ sơ mời thầu (HSMT) do HĐĐT Đắk Lắk tự soạn.
Đọc HSMT, nhiều nhà thầu lập tức gửi CV phản đối, vì Luật Đấu thầu quy định hình thức bảo lãnh dự thầu có thể bằng tiền mặt hoặc thư bảo lãnh của ngân hàng. Còn Thông tư 78 ban hành ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính quy định những khoản chi từ 20 triệu trở lên, doanh nghiệp không được dùng tiền mặt. Nhưng giám đốc Sở YT 2 lần trả lời bằng 2 CV trong tháng 7/2014, đều khẳng định lại điều này Sở “đã quy định rõ tại khoản 1…”.
Hay tin, ngày 6/10/2014, Cục Quản lý Dược đã ký CV khẩn số 17128 gửi các đơn vị trực thuộc, nhắc lại từ năm 2010 Bộ KH&ĐT đã hướng dẫn các hình thức bảo đảm dự thầu tùy quy mô, tính chất mà nhà thầu có thể đặt cọc, ký quỹ, thư bảo lãnh của ngân hàng hoặc tổ chức tài chính. Đồng thời cảnh báo việc các chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu phải đặt cọc là không phù hợp, hạn chế sự tham gia của các nhà thầu, giảm tính cạnh tranh trong gói thầu. Tiếc rằng, thời điểm đóng thầu đã diễn ra từ ngày 5/8/2014, nhiều nhà thầu trước đó buộc phải huy động gấp tiền mặt ôm tới nộp cho phòng Tài chính kế toán, để phòng này chuyển tiền đặt cọc vào… tài khoản riêng của Sở Y tế. Với những nhà thầu lớn, như Công ty Dược phẩm trung ương II có tổng giá trị dự thầu lên đến trên 250 tỷ đồng, thì khoản tiền đặt cọc lên đến gần 8 tỷ đồng.
Sau đấu thầu thuốc năm 2014-2015 tại Đắk Lắk, chỉ riêng vụ này, các nhà thầu đã mất oan mấy trăm triệu đồng mà không biết kêu ai!