Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 luôn là đề tài được các phụ huynh cũng như các học sinh quan tâm. Phải cập nhật thường xuyên những thông tin để nắm bắt kịp thời cho kỳ thi tới.
- Kỳ thi THPT Quốc Gia năm 2016 nên bỏ cụm thi địa phương?
- Lịch thi dự kiến kỳ thi THPT Quốc gia 2016
- Điều chỉnh Môn Văn và Sử đề thi THPT Quốc gia 2016
Những thay đổi tại kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016
Sáng 22/10, tại Hội nghị Tổng kết năm học 2014 – 2015 và nhiệm vụ trọng tâm năm học 2015 – 2016 khối các trường ĐH, CĐ, Bộ GD&ĐT đã thông tin về một số điều chỉnh trong tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016. Tại Hội nghị, Bộ GD&ĐT đã chỉ ra những hạn chế và nguyên nhân trong kỳ thi THPT quốc gia 2015, chủ yếu về phương diện kỹ thuật và khâu xét tuyển sinh đợt 1. Xảy ra hiện tượng một số thí sinh và người nhà phải đến các trường ĐH, CĐ để nộp và rút đăng ký xét tuyển gây tốn kém, bức xúc trong dư luận.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga nhấn mạnh: “Kỳ thi chung năm nay đã cơ bản giảm được hiện tượng thí sinh ảo. Tuy nhiên, cũng cần chú ý đến tình trạng một số trường thiếu chỉ tiêu dẫn đến tình trạng phải đóng cửa. Do đó, Bộ sẽ điều chỉnh một số nội dung trong kỳ thi chung và nhất là hoạt động tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016 theo hướng phù hợp với thực tiễn. Tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và người nhà”.
Lịch thi THPT Quốc gia 2016 được tổ chức vào 13, 14, 15/6
Theo thông báo của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016 cơ bản giữ ổn định như năm 2015 nhưng sẽ điều chỉnh để phù hợp hơn. Theo đó, kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 dự kiến tổ chức trong 3 ngày 13, 14, 15/6/2016; tiếp tục tổ chức cụm thi tỉnh và cụm thi liên tỉnh như năm 2015 với một số điều chỉnh phù hợp với thực tiễn. Tăng cường phối hợp, hỗ trợ của các trường ĐH, CĐ. Đề thi tiếp tục được ra theo hướng đánh giá năng lực, có độ phân hóa tốt hơn để đánh giá khách quan năng lực thí sinh, đáp ứng mục tiêu của kỳ thi.
Công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016 sẽ dựa trên kết quả thi quốc gia có một số điều chỉnh theo hướng tăng quyền chủ động cho các nhà trường. Sau khi có kết quả thi, các trường tự chủ tổ chức tuyển sinh. Bộ có thể quy định các đợt xét tuyển trên cơ sở các mức điểm khác nhau của thí sinh theo thứ tự từ cao xuống thấp để giảm rủi ro cho thí sinh và giảm thí sinh ảo cho các trường, mỗi đợt từ 5-7 ngày. Bộ quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho các trường. Các cơ sở đào tạo có thể quy định hình thức, điều kiện, thời gian đăng ký xét tuyển của thí sinh.
Sự lo lắng của phụ huynh và các thí sinh luôn là không thừa
Kỳ thi THPT quốc gia 2016 còn khoảng hơn 7 tháng nữa mới diễn ra, tuy nhiên nhiều học sinh, phụ huynh lẫn nhà trường cảm thấy lo lắng bởi thời hạn kỳ thi đã bị rút ngắn mất nửa tháng so với kỳ thi năm 2015. Điều này sẽ khiến quá trình học, ôn tập của thí sinh trở nên gấp gáp, ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe, tâm lý của thí sinh vì phải tăng thời lượng học ôn, do thời gian bị rút ngắn.
Phụ huynh Nguyễn Thị Tâm, có con học lớp 12 Trường THPT Nhân Chính (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Theo một số dự kiến của Bộ GD&ĐT về kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2016 đã có nhiều điểm điều chỉnh sau khi rút kinh nghiệm của năm nay. Nhưng theo tôi vẫn còn bộc lộ một số điểm chưa thực sự được thay đổi, đó là việc Bộ GD&ĐT vẫn chưa nghiên cứu lại chính sách ưu tiên cộng điểm, cần rút ngắn điểm ưu tiên để tạo ra sự công bằng giữa các thí sinh. Bộ nên gộp thành một cụm thi chung do trường ĐH phối hợp với địa phương tổ chức, khi có điểm, cấp giấy báo điểm để thí sinh tự quyết định xét tuyển hay không xét tuyển vào ĐH, CĐ”.
Đối với thí sinh, có lẽ vẫn còn bị “ám ảnh” của các đợt rút – nộp hồ sơ của các đợt xét tuyển ĐH, CĐ vừa qua. Đức Anh (lớp 12, Trường THPT Trần Phú, Hà Nội) chia sẻ: “Bộ cho phép các trường ĐH, CĐ tự chủ tuyển sinh là điều tốt, nhưng các đợt xét tuyển vẫn tạo ra số lượng thí sinh ảo cao, vẫn có khả năng thí sinh ào ào tới nộp và rút hồ sơ. Kỳ thi THPT quốc gia với 2 mục đích nên kéo thời gian thi xuống giữa tháng 6 cũng không thể tránh được nắng nóng mà còn làm chúng em mất đi một phần thời gian ôn thi. Nếu thi tốt nghiệp thì rất dễ, nhưng để vào đại học thì sẽ phải ôn tập kỹ, giảm thời gian ôn tập đồng nghĩa với việc tăng thời gian học mỗi ngày”.
Lãnh đạo một số trường ĐH, CĐ cho biết, tăng quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường là tốt. Tuy nhiên, nếu không xây dựng được phương án để giảm hiện tượng đổ dồn rút nộp hồ sơ, hiện tượng thí sinh ảo… sẽ gây khó khăn tốn kém và lãng phí cho các trường. Bộ “đẩy” trách nhiệm quá cao cho các trường cũng là một thách thức không nhỏ cho họ trong công tác tuyển sinh.
Cũng theo Bộ GD&ĐT, trong thời gian tới các trường ĐH, CĐ, các Sở GD&ĐT, các chuyên gia giáo dục, phụ huynh, học sinh… hãy tiếp tục đóng góp ý kiến để Bộ có thể hoàn thiện phương án tuyển sinh tối ưu nhất.
Nguồn: giadinh.net.vn