Theo các chuyên gia phân tích ngành Giáo dục đào tạo Việt Nam hiện nay, cần xem lại cách đào tạo và đánh giá chất lượng giáo dục, bởi một lớp có đến 90% học sinh giỏi nhưng hầu hết vẫn thi trượt Đại học.
- Phương án hoàn thiện Kỳ thi THPT Quốc Gia năm 2016
- Kỳ thi THPT Quốc Gia và Tuyển sinh ĐH có gì thay đổi trong năm 2016
- Ôn thi THPT Quốc gia năm 2016 thế nào để hiệu quả?
Quan tâm đến lĩnh vực giáo dục đào tạo trong dự thảo văn kiện Đại hội Đảng XII, bà Nguyễn Thị Cúc, ủy viên Ban Chấp hành Hội nữ trí thức Việt Nam, ủy viên Thường vụ Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam cho rằng, Nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư phát triển giáo dục và đổi mới phát triển giáo dục đào tạo. Vai trò chủ đạo thể hiện cụ thể là công tác quản lý giáo dục và chất lượng giáo dục nói chung ở tất cả các cấp học. Chất lượng giáo dục ở đây gồm 2 phần, là đội ngũ giáo viên và đào tạo. “Đội ngũ giáo viên phải tốt thì mới có học trò ngoan được. Thầy giáo giỏi mới có học trò giỏi”.
“Khó chấp nhận học sinh giỏi mà vẫn trượt Đại học”
Về đào tạo, trước hết phải có giáo trình, nghĩa là tất cả các chương trình giảng dạy, giáo trình phải được thông qua Nhà nước, phải có sự chỉ đạo từ Trung ương trở xuống. “Khi có vấn đề gì sai thì Nhà nước phải chịu trách nhiệm chứ không phải trường nào thích thì đưa ra giáo trình, ngành nào cũng đưa ra được giáo trình rồi khi có lỗi lại đổ tại ngành, cấp đó. Như thời gian vừa qua, có những bài văn, bài thơ trong chương trình rất phản giáo dục, không có tính đạo đức rồi đến việc cờ Tổ quốc cũng nhầm thì đây phải là vấn đề của Trung ương chứ không phải địa phương nữa”.
Theo bà Nguyễn Thị Cúc, chất lượng giáo dục cũng đừng đáng giá qua các kỳ thi, mà chất lượng phải từ các cấp. “Ngày xưa chúng tôi đi học, học sinh giỏi chỉ có vài người, học khá, học trung bình thì nhiều lắm nhưng bây giờ cả lớp học sinh giỏi nhưng đi thi lại trượt gần hết. Chúng ta phải chú trọng chất lượng đào tạo từ dưới lên trên chứ không phải ai cũng giỏi hết, các trường, các cấp lấy thành tích nhưng đến khi thi Đại học, học sinh giỏi lại trượt. Ngay như cháu tôi, học sinh giỏi nhưng trượt Đại học. Chuyện rất vô lý là học sinh giỏi mà trượt Đại học”.
“Vấn đề cốt lõi là giáo giáo dục mà ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục cũng rất lớn, đến 20% tổng ngân sách Nhà nước. Chúng ta cứ chỉ đạo ở đâu mà không có trục trọng tâm”-Bà Nguyễn Thị Cúc trăn trở.
PGS.TSKH Trịnh Thị Kim Ngọc, nguyên Trưởng phòng nghiên cứu Con người và Văn hóa, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cũng cho rằng, dự thảo Văn kiện đánh giá chất lượng đào tạo có tiến bộ là chưa hoàn toàn chính xác. Chất lượng đào tạo có tiến bộ nhất định, nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề.
“Thế hệ chúng tôi đi học, học sinh giỏi trong 1 lớp chỉ có 2-3 người và thực sự là những người xuất sắc, nhưng bây giờ 90% số học sinh trong một lớp là học sinh giỏi, còn học sinh khá bây giờ thì giống như cá biệt ngày xưa. Sao lại có cách đánh giá như vậy? Tôi cho đánh giáo giáo dục như vậy là không thực chất. Đề nghị xem lại đánh giá trong lại chất lượng trong giáo dục đào tạo. GD-ĐT có tiến bộ sao vẫn có đến 43 trường không tuyển được đủ sinh viên, có những trường thiếu đến hơn 4.000 sinh viên?”- PGS.TSKH Trịnh Thị Kim Ngọc nói.
NSND Chu Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội nghệ sĩ múa Việt Nam cũng trăn trở về vấn đề giáo dục đạo đức trong nhà trường đang khá bức xúc hiện nay. “Học sinh ở đâu cũng thấy nói tục, chửi bậy. Không hiểu giáo dục đạo đức cho học sinh bây giờ như thế nào?”.
Làm thế nào giảm tình trạng chạy trường, chạy lớp?
TS Nguyễn Thị Xuân Thảo, chi hộ nữ trí thức trường Đại học Thương mại cho rằng, để đổi mới giáo dục theo Nghị quyết 29, cần có các giải pháp thiết thực mới thực hiện có hiệu quả. Đối với đào tạo ở bậc phổ thông, cần nghiên cứu và áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực để giúp cho học sinh không chỉ nắm bắt được các kiến thức khoa học cần thiết mà con giúp học sinh thể hiện được các khả năng tiềm ẩn, rèn luyện tính năng động, sáng tạo và kỹ năng sống.
“Cần thành lập các tiểu ban hoặc hội đồng nghiên cứu một cách toàn diện các chương trình giáo dục tiên tiến của các nước trên thế giới và triển khai ứng dụng vào Việt Nam một cách phù hợp với điều kiện thực tế nước ta, không ứng dụng một cách máy móc, bê nguyên si và phê phán một cách tùy tiện chương trình, nội dung giáo dục ở Việt Nam hiện nay”- TS Xuân Thảo đề nghị.
Cũng với đó, việc đầu tư cho giáo dục cần có trọng tâm, trọng điểm, tránh cào bằng và dàn trải. Cần có sự nghiên cứu để đầu tư đúng và dứt điểm đối với từng vấn đề, từng khu vực, từng loại trường. “Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có chính sách ưu đãi đối với giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và đối với đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các vùng này. Tuy nhiên các chính sách này khi triển khai còn nhiều vướng mắc, hạn chế thậm chí còn có những sai phạm. Vì vậy cần bổ sung, sửa đổi để các chính sách này đi vào cuộc sống”.
TS Xuân Thảo đề xuất, đối với tuyển sinh đầu cấp các cấp học phổ thông cần có phương thức ổn định vừa đảm bảo được chỉ tiêu tuyển sinh cho phép vừa tránh được sự rối loạn, tiêu cực của mỗi kỳ tuyển sinh. Các địa phương, các tỉnh cần có sự cơ cấu, phân bổ hợp lý đội ngũ giáo viên để tránh trường hợp trường thì có nhiều giáo viên giỏi, có kinh nghiệm còn có trường thì nhiều giáo viên chưa có kinh nghiệm, trình độ hạn chế. Có như vậy mới khắc phục được tình trạng chạy trường, chạy lớp, giảm bớt áp lực cho các trường”.
Trích nguồn : Báo Đài tiếng nói Việt Nam.