Có tới 70% học sinh, sinh viên trường nghề có việc làm ngay sau khi ra trường; thậm chí, có những nghề 100% học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngay theo thống kê của Tổng cục dạy nghề. Phải chăng xu hướng xã hội đã thay đổi, bỏ Đại học đi học Nghề để không lo thất nghiệp?
Bỏ Đại học đi học Nghề vì dễ xin việc, lương cao?
Bỏ đại học, đi học nghề không lo thất nghiệp?
Nguyễn Thu Minh, 21 tuổi, theo học nghề Chăm sóc sắc đẹp tại Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội. Minh cho biết, trước khi chọn nghề, đã tìm hiểu kỹ nhu cầu thị trường và tự tin khi ra trường sẽ có việc làm ngay với mức lương khởi điểm là 6-7 triệu đồng/tháng.
Thu Minh cho biết: “Khi trường mở Khoa Chăm sóc sắc đẹp đầu tiên của cả nước thì em đăng ký vào đây học và không đi học đại học nữa. Bản thân em là người thi đỗ đại học, nhưng khi nghe về ngành này và tìm hiểu về nghề này em đã quyết định bỏ đại học sang học nghề này và em không hề hối hận khi học nghề. Em có thể kiếm tiền và nuôi mình rồi, không còn phụ thuộc vào gia đình nữa”.
Lê Hùng Dương, học nghề Lắp đặt điện, trường Cao đẳng nghề Việt Xô số 1 (Bộ Xây dựng) chia sẻ: “Em không chọn thi đại học mà đi học nghề điện. Em thấy mình chọn nghề này là đúng vì là niềm đam mê của em, gia đình cũng rất ủng hộ”.
Nguyễn Thu Minh và Lê Hùng Dương chỉ là 2 trong số nhiều bạn trẻ đang thay đổi suy nghĩ về bước đường khởi nghiệp, chọn học nghề chứ không phải nhất thiết vào đại học. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm nay, có tới gần 70% thí sinh thi THPT Quốc gia đăng ký dự thi ở các cụm địa phương. Nhiều thí sinh thi trung học phổ thông Quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp, không dự thi cao đẳng, đại học mà chọn học trường nghề tại địa phương.
Hiện nay, cả nước có khoảng 190 trường cao đẳng nghề, đào tạo 310 nghề, 245 trường trung cấp nghề đào tạo hơn 300 nghề. Những nghề thuộc lĩnh vực du lịch, dịch vụ làm đẹp, công nghệ thông tin, xây dựng, hàn, kỹ thuật xây dựng, may thời trang, kỹ thuật dược, nguội sửa chữa máy công cụ, nghiệp vụ nhà hàng… đang là những nghề “hot” trên thị trường lao động.
Học nghề dễ xin việc mà lương lại cao?
Tổng cục Dạy nghề cho biết, năm 2015 có đến 70% học sinh học nghề tốt nghiệp có việc làm. Nhiều học viên trường nghề được doanh nghiệp cam kết tiếp nhận vào làm việc ngay sau khi tốt nghiệp. Đây là tín hiệu vui đối với thị trường lao động trong nước lâu nay ở trong tình trạng thừa thầy thiếu thợ, và đặc biệt là các bạn trẻ.
Trong khi số người có trình độ cao đẳng trở lên đang thất nghiệp ở mức cao và tăng lên rất nhanh thì học nghề ngày càng có nhiều lợi thế bởi thị phần việc làm cho những người học nghề ngày càng cao. Chưa kể, hội nhập ASEAN, những người được đào tạo nghề có cơ hội làm việc cho nhiều quốc gia khác với mức lương hấp dẫn cả nghìn USD.
Kỹ năng nghề của lao động Việt Nam không thua kém bất kỳ nước nào trong khu vực và luôn được các nước bạn đánh giá cao. Tuy nhiên, ngoại ngữ và kỹ năng mềm đang là điểm yếu cần khắc phục. Bên cạnh đó, cần tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thị trường lao động, giảm tối đa số lao động thất nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Huỳnh Văn Tý cho biết: “Có một yêu cầu rất lớn đặt ra là cần làm tốt việc kết nối cung cầu giữa doanh nghiệp với nhà trường. Sở dĩ có tình trạng cung-cầu không khớp nhau do việc kết nối không khớp nhau. Cho nên giờ phải làm thật tốt để làm sao giữa đào tạo và nhu cầu doanh nghiệp khớp với nhau. Đặc biệt là gắn kết doanh nghiệp tại chỗ, doanh nghiệp phải cùng với nhà trường xây dựng chương trình, nội dung giáo án làm sao đào tạo học sinh ra trường đáp ứng ngay nhu cầu cụ thể của doanh nghiệp”./.
Trích nguồn : Báo Đài Tiếng Nói Việt Nam