Khi viện phí công tư cạnh tranh ngang bằng, các bệnh viện công sẽ không còn được nhà nước trợ cấp kinh phí. Nếu không nâng cao chất lượng, các bệnh viện tư khó lòng giữ được bệnh nhân?
- Vì sao Nhà thuốc, Phòng khám cứ bị kiểm tra là thấy sai phạm?
- Ai được hưởng lợi khi Bộ Y tế điều chỉnh giá dịch vụ?
Năm 2015 theo Thông tư Liên tịch quy định thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện trên toàn quốc, dự kiến sẽ có khoảng 1.800 dịch vụ Y tế điều chỉnh giá. Được phối hợp giữ Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Cạnh tranh nâng cao chất lượng ngành Y để thu hút bệnh nhân
Bà Nguyễn Thị Bích Hường, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), cho hay khi áp dụng lộ trình viện phí mới cho mọi đối tượng vào tháng 3-2016, nếu phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật và lương được kết cấu vào viện phí, các dịch vụ y tế có thể tăng thêm 20%-30% giá hiện tại. Nhóm người chưa có BHYT chẳng may mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh mạn tính sẽ có nguy cơ rơi vào bẫy nghèo do chi phí y tế quá lớn.
Trong khi đó, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã chuẩn bị các tài liệu để truyền thông cho người bệnh về chính sách viện phí mới này. “Từ ngày 1-1-2015, các trường hợp có thẻ BHYT đã tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên, có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh đúng tuyến trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (khoảng 6,9 triệu đồng) sẽ được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh. Rõ ràng quyền lợi của người bệnh cũng được mở hơn” – ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, nhận xét.
Đại diện các Bệnh viện cho rằng sắp tới, các Bệnh viện sẽ cạnh tranh chất lượng để thu hút bệnh nhân. Ông Lê Văn Sỹ, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, cho biết đối với những Bệnh viện tuyến dưới, ngoài việc đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên y tế còn cần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; nếu không, bệnh nhân sẽ vượt lên tuyến trên. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, Bệnh viện tuyến trung ương ngày càng được mở rộng, chất lượng điều trị ngày một cao và đặc biệt là nhiều Bệnh viện tuyến cuối cũng cam kết không để bệnh nhân nằm ghép.
Trong khi đó, với các Bệnh viện tuyến cuối như Bạch Mai hay Việt Đức, việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đổi mới phong cách khám chữa bệnh cũng là những ưu tiên hàng đầu sau khi viện phí được điều chỉnh với 3/7 yếu tố từ năm 2013.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Hường, do được bao cấp qua ngân sách nhà nước nên Bệnh viện 500 giường bệnh dù công suất sử dụng 80% vẫn được “rót” vốn 100%. Tới đây, khi lương tính vào viện phí, bệnh nhân sẽ trả lương cho nhân viên y tế, đặc biệt là khi viện phí tính đủ 7/7 yếu tố vào năm 2018, lúc này bắt buộc Bệnh viện phải tự chủ về tài chính. Đây là một áp lực rất lớn đối với các Bệnh viện khi khối Bệnh viện công lập và tư nhân sẽ cạnh tranh nhau về chất lượng dịch vụ để thu hút “thượng đế”.
“Nếu dịch vụ kém, môi trường không thân thiện, nhân viên y tế cáu kỉnh, người bệnh mất niềm tin sẽ không đến Bệnh viện để khám chữa bệnh. Khi đó, Bệnh viện sẽ không có tiền để trang trải y tế và trả lương nhân viên” – bà Nguyễn Thị Bích Hường nói.
Phải trả tiền, bác sĩ mới “mỉm cười”
Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT – BHXH Việt Nam, cho biết tỉ lệ người dân tham gia BHYT đã đạt 73%. Từ nay đến tháng 3-2016, trước khi áp dụng viện phí mới cho cả người không có BHYT, BHXH và các ngành liên quan cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để 27% dân số còn lại tham gia BHYT.
Ông Sơn cho rằng khi “thả” viện phí theo hướng thị trường cũng sẽ là áp lực, động lực để Bệnh viện nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và thay đổi thái độ phục vụ đối với bệnh nhân – khách hàng.
“Mọi thứ đều phải lượng hóa thành chi phí. Kết cấu giá dịch vụ y tế phải có cả chi phí cho nụ cười của nhân viên y tế. Họ cũng phải được bảo đảm về đời sống, đánh giá đúng công sức lao động để yên tâm phục vụ người bệnh” – ông nhìn nhận. Theo ông Sơn, tăng viện phí theo giá thị trường sẽ thay đổi quan niệm “ban ơn” của nhân viên y tế cũng như thái độ “nhờ vả” của người bệnh.
Mỗi năm, nhà nước dành khoảng 16.000 tỉ đồng để trả lương cho nhân viên y tế. Còn khi đã đưa vào giá để BHYT chi trả thì khoản tiền này sẽ dành để mua thẻ BHYT cho người dân, hỗ trợ các ca bệnh nặng, chi phí lớn… Nếu tính thêm chi phí trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật thì trong tháng 11 và 12-2015, chi phí BHYT dự kiến tăng khoảng 30% so với các tháng trước. Còn đưa cả chi phí lương vào viện phí, chi phí BHYT trong năm 2016 sẽ tăng 50%-70% so với năm 2015.
Quỹ BHYT hiện kết dư hơn 35.000 tỉ đồng nên thời gian tới vẫn có khả năng “gánh” được khoản viện phí tăng lên cho đến hết năm 2017. Tuy nhiên, sang năm 2018, theo lộ trình viện phí hoàn toàn tính theo giá thị trường, BHXH Việt Nam sẽ tính đến việc tăng mức đóng BHYT. Theo quy định của Luật BHYT, mức đóng BHYT có thể tăng đến 6% mức lương cơ bản.